LOÉT MIỆNG
Loét miệng (loét áp-tơ) là tổn thương phổ biến nhất xảy ra trên niêm mạc miệng, gây ra các vết loét nông, thường gặp ở trẻ em, thanh thiếu niên và cả người trẻ tuổi. Hơn 80% trường hợp loét miệng lần đầu xuất hiện trước 30 tuổi.
Dựa trên biểu hiện lâm sàng của vết loét, có thể phân chia thành 3 loại:
-
- Loét dạng áp-tơ nhỏ: Rất thường gặp, chiếm 8/10 các trường hợp loét miệng thông thường với đặc điểm: vết loét nhỏ hình tròn hoặc ô-van, đường kính nhỏ hơn 10mm, màu vàng lợt, rìa ổ loét sưng nề, đỏ. Có khi chỉ xuất hiện một vết loét hoặc có thể nhiều hơn 5 vết loét xuất hiện cùng lúc, gây đau đớn cho bệnh nhân. Vết loét thường tồn tại trong vòng 7-10 ngày, sau đó thường tự lành và không để lại sẹo.
-
- Loét dạng áp-tơ lớn: Ít gặp hơn chiếm tỷ lệ 1/10 các trường hợp. Đường kính ổ loét lớn hơn 10mm, đường kính có thể tới 2cm , thường chỉ có 1 hoặc 2 ổ loét xuất hiện cùng một thời điểm. Ổ loét kéo dài 1-2 tuần cho tới vài tháng. Khi lành để lại sẹo gây đau đớn nhiều và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, ăn uống.
-
- Loét miệng dạng Herpes: Số lượng vết loét nhiều từ 10-100 vết, tổn thương kết thành chùm, nhiều mụn nước nhỏ nhanh chóng kết hợp loại thành mảng lớn. Các mụn nước thường tụ thành từng chùm trên nền da viêm đỏ, sẽ vỡ ra sau vài ngày, dịch chảy ra ngoài và tạo ra vết loét nông. Thời gian lành trong khoảng 7-30 ngày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp người bệnh có hệ miễn dịch yếu hoặc bội nhiễm sẽ khiến bệnh kéo dài và tiến triển nặng hơn.
Phân loại 3 dạng loét miệng
NGUYÊN NHÂN GÂY LOÉT MIỆNG?
Mặc dù loét áp-tơ đã được nghiên cứu lâm sàng và thực nghiệm trong thời gian dài, nhưng hiện nay nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên nhận thấy các yếu tố nguy cơ là tiền đề gây nên các vết loét và khiến chúng trở nên nghiêm trọng hơn.
Chấn thương niêm mạc miệng
Các sang chấn niêm mạc miệng do các yếu tố cơ học như va chạm mạnh, tiêm tê, đánh răng quá mạnh hoặc răng sắc nhọn, vô tình cắn phải má, do thủ thuật nha khoa,… có thể gây khởi phát các vết loét.
Yếu tố di truyền
Yếu tố di truyền có thể đóng vai trò quan trọng trong bệnh loét miệng. Khoảng 40% bệnh nhân có tiền sử trong gia đình bị loét áp tơ. Đối tượng này có thời gian khởi phát bệnh sớm hơn và mức độ bệnh nặng hơn. Có mối liên quan giữa các kháng nguyên bạch cầu người (HLA) với bệnh. Ở những người loét áp tơ có sự tăng tần suất các kháng nguyên HLA loại A2, A11, B12 và DR2. Mối liên quan này thay đổi theo nguồn gốc dân tộc và chủng tộc.
Nguyên nhân bệnh lý
Do mắc phải các bệnh mãn tính & rối loạn miễn dịch như bệnh Pemphigus thông thường, bệnh Pemphigoid bọng nước, bệnh hồng ban đa dạng,…) hoặc do phản ứng với một số vi khuẩn/virus trong miệng như virus herpes, vi khuẩn streptococci, Helicobacter pylori, nấm Candida,…
Yếu tố dinh dưỡng
Thiếu hụt vitamin và dưỡng chất dinh dưỡng: Vitamin nhóm B (vitamin B12, B6, B9…), kẽm và sắt.
Dị ứng và không dung nạp
Bệnh nhân dị ứng/không dung nạp với một số loại thực phẩm hoặc có thể mắc phải hội chứng Stevens – Johnson do dị ứng thuốc .
Tình trạng tâm lý
Áp lực tinh thần lớn, công việc căng thẳng (stress), lo lắng hoặc trầm cảm khiến cho chức năng miễn dịch bị suy giảm có thể gây khởi phát các vết loét